Mail Contact Home

Gửi cho bạn bè trang báo này

Người lữ hành


Mời nghe Giọng ca Vân Khánh
Ca khúc Huế thương
Lời bài hát


Cửu Đỉnh

 

Huế Thương
Huế mộng mơ

 
 

[2] LÊN NGÔI



THẾ MIẾU

Người hướng dẫn đưa chúng tôi đi xem Thế Miếu, đây là một trong nhiều khu miếu thờ cúng các vua, chúa triều Nguyễn. Trong Hoàng thành có 5 ngôi miếu thờ gồm : Triệu Miếu (Thờ Nguyễn Kim, được coi là người mở đầu triều Nguyễn), Thái Miếu (Thờ 9 chúa Nguyễn), Hưng Miếu (Thờ cha vua Gia Long), Thế Miếu (thờ các vua nhà Nguyễn) và điện Phụng Tiên cũng thờ các vua nhà Nguyễn nhưng dành cho các bà ở nội cung đến lễ vì họ không được vào Thế Miếu.


Vua Minh Mạng cho xây cất vào năm 1821 để thờ vua Gia Long. Sau đó là vua Minh-Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Khải Định. Vào tháng Giêng năm 1959, trước yêu cầu của Hoàng tộc và quần chúng, linh vị ba ông vua có tinh thần chống PhápHàm-Nghi, Thành TháiDuy Tân đã được đưa vào thờ ở Thế Miếu. Cho tới nay Thế Miếu thờ 10 Vị Vua của nước ta.
Tại đây vào ngày giỗ của các vua triều Nguyễn đời trước, triều đình tổ chức tế lễ rất lớn do đích thân nhà vua đứng ra chủ trì.


Tôi yêu thích đặt biệt sân thượng của Thế Miếu có 9 cái (cửu) đỉnh đồng khổng lồ, cao hơn đầu tôi. Theo thứ tự các án thờ, đó là những công trình được đúc từ năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chung quanh có chạm hình mặt trời, mặt trăng, núi sông, hoa cỏ, các giống động vật, thực vật và binh khí, xe thuyền của nước ta. Tên mỗi đỉnh đồng lấy từ chữ trong miếu. Hiệu của các vua từ Thế Tổ Cao Hoàng Đế trở xuống như : Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dũ, Huyền.

Vua Minh Mạng theo gương vua Hạ Vũ xưa đúc cửu đỉnh trưng chín châu bên Tàu. Đỉnh còn tượng trưng sự chính-thống với ủy nhiệm của Thượng Đế. Hình dáng và trọng lượng của đỉnh biểu hiệu sự lâu dài bền vững của một triều đại.

Đúc mỗi cái đỉnh phải dùng 60 cái lò đồng gốp lại; một lò chỉ nấu chảy được 3,4 chục kí lô. Khuôn để lật ngược, đồng đổ vào một chân đỉnh ; các hình nổi, sau mới chạm thêm vào những miếng đồng đúc gắn vào đỉnh. Nơi đúc là nơi Sở Canh Nông cũ (gần cầu Khánh Ninh).


Theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, thì trọng lượng và kích thước của 9 cái đỉnh ở Thế miếu như sau :

-Cao đỉnh nặng 4.307 cân ta, cao 5 thuớc 5 phân, miệng rộng 3 thước
3 tấc 5 phân.
-Nhơn đỉnh nặng 4.160 --, Cao 4 thước 7 tấc 5 phân, miệng rộng
3 thước 3 tấc 3 phân.
-Chương đỉnh nặng 3.472 --, Cao và rộng như Nhơn đỉnh.
-Anh đỉnh nặng 4.261 --, ----------------------------------------
-Nghị đỉnh nặng 4.206 --, ----------------------------------------
-Thuần đỉnh nặng 3.229 --, ----------------------------------------
-Tuyên đỉnh nặng 3.421 --, ----------------------------------------
-Dũ đỉnh nặng 3.341 --, ----------------------------------------
-Huyền đỉnh nặng 3.201 --, ----------------------------------------

Một cân ta bằng chừng 0kg600. 1 thước ta bằng 0m40.


Miếu nằm phía bên tay phải điện Thái Hoà, quay về hướng nam, xây năm Minh Mạng thứ nhì (1821), bề dài 55 m, rộng 28 m, mỗi gian trong nội thất của Thế miếu bày một sập chân quỳ, sơn son thiếp vàng, khám thờ, bài vị và một số đồ tế khí quý giá và gồm có : chính doanh 9 gian, tiền doanh 11 gian, đông tây có 2 chái. Miếu làm theo kiểu tùng lương trùng thiềm, lợp ngói hoàng lưu ly, trên nóc thiếc bầu rượu bằng pháp lam.

Ra ngoài cũng có cửa chính của Thế miếu, bậc thềm bốn bên đều có thiết một con kỳ lân bằng đá.

Thế Miếu là công trình to lớn bậc nhất, tôi thầm khâm phục một kiến trúc cổ xưa tuyệt đẹp.

Nếu ta được ngồi đây ngắm cảnh qua 4 mùa chắc chắn sẽ được thưởng thức bốn vẻ đẹp đặc biệt khác nhau. Nếu tôi là một họa sĩ tôi sẽ vẽ phong cảnh này để lại cho đời một tác phẩm số dzách. Nếu tôi là một nhà thơ tôi sẽ để lại đời sau một tuyệt tác thi ca. Vâng. Nếu !..


Cháu tôi lay tay tôi thật mạnh, lôi kéo tôi trở về trái đất !

- Đi tata ơi ! Người ta đi bỏ mình lại đằng sau rồi thấy không ? (tata = cô,dì)

- Mặc người ta, những ai không thích chiêm ngưỡng thì thôi, rồi mình cũng tới đó mà !

Tuy nói như vậy nhưng tôi cũng bước nhanh lẹ hơn vì không thích những con mắt trách móc nhòm mình.



CUNG THẤT
Đoàn đang tiến vào Cung Thất.

Cậu Duy Hải kể cho chúng tôi nghe rằng : Cung Thất là nơi ở của vua và gia đình. Khu vực này là một bộ phận quan trọng của kinh thành Huế bao gồm các cung : Càn Thành nơi ở của Vua ta, cung Khôn Thái nơi ở của hoàng hậu, cung Diên Thọ dành cho mẹ vua, cung Trường Sinh dành cho bà nội vua. .. Đáng tiếc khu vực quan trọng này đã bị phá hủy gần hết, hiện còn lại cung Diên Thọ được xây dựng từ năm 1804. Điều đặc biệt ở cung Diên Thọ là hệ thống hành lang có mái che nối liền với nơi vua ở, để nhà vua có thể đi thăm mẹ bất kỳ lúc nào.


LÊN NGÔI

Kế đó chúng tôi được hóa trang trên sân khấu, người thì biểu diển tỳ nữ, người lại mẫu Hậu, cháu tôi thì trong vai bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu vợ thứ nhì của vua Gia Long và tôi lại được hóa trang làm vua trong chiếc áo vàng gấm ngọc ngà lại được độn thêm chiếc gối con làm bụng to như vua thật. Ôi thôi là lượm thượm trong chiếc áo vua Gia Long nhưng tôi cảm thấy hãnh diện được làm Vua đêm nay.

Vua Bạch Tuyết và các Hoàng Hậu ngự Đại triều (tốn 10$)





..tôi không biết chất lượng biểu diển của Dì cháu tôi xuất sắt đến mức nào. nhưng ai cũng cười rũ rượi, cười ra nước mắt, cười muốn làm bể căn phòng, có ông H nói lớn lên :

Này Tuyết, vua còn trẻ sao lại có bụng phệ và cây kiếm để đánh giặc.. đâu ?

Mọi người cười vang lên. Ông H Cười lớn đến suýt rớt hàm răng ra ngoài........
Buổi tham quan Hoàng Thành kết thúc với một bầu không khí vui nhộn và mọi người thấy thân nhau hơn, gần nhau thêm.





THƯỞNG THỨC ĐẶC SẢN

Xe đưa chúng tôi đi ăn bánh khoái cầu Đông Ba : Chiều mưa phùn hôm ấy, bụng tôi đói cồn cào. Loại bánh khoái này ăn với nước mắm và rau sống.
Tuyệt vời!



Kết thúc cho buổi tối nay, chúng tôi đến bến sông Hương đi thuyền rồng. Đêm mưa phùn, thuyền lướt nhẹ trên sông Hương, ngã nghiêng theo nhịp sóng, hoà âm với tiếng đàn tỳ bà, bầu, sáo, tranh, đàn cò, song lan gỏ nhịp và giọng ca ngọt ngào của các cô gái Huế cùng với những bàn tay các cô lã lướt, mềm mại trên phím đàn tranh du dương như ru chúng tôi vào cõi thiên thai mờ ảo...
Tôi được nghe lại những ca khúc thân quen nhưng đầy thuyết phục : Ai Ra Xứ Huế, Cây Trúc Xinh, Đêm Tàn Bến Ngự…. Tôi xúc động vỡ tim khi một cô gái Huế trẻ và đẹp ngồi kế bên tôi cất tiếng ngâm bài thơ "Đây Thôn Vĩ Dạ". Giọng ngâm xuất hồn của cô ta làm bầu không khí trên thuyền rồng lắng xuống. Tôi liên tưởng đến nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hạnh phúc quá ! Bỡi đây là một trong những bài tôi yêu thích nhất. Đây là món quà quý báu mà tôi đang đón nhận từ bàn tay dịu mát của Huế.



Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Là trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây theo đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chờ trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.


HOA ĐĂNG

Kết thúc chương trình mỗi người chúng tôi được một chiếc đèn hoa đăng hình bông sen hồng. Tôi tự đặt vào đó một cây đèn cầy nhỏ đốt sáng. Từng người thay phiên nhau thả xuống nước với niềm ước mong hay nguyện cầu trong tâm trí. Với niềm tin sẽ được toại nguyện.
Một cơn mưa bụi vừa đi qua không đủ sức làm tắt những ngọn nến đang lênh đênh theo sóng, trôi đi … đi xa …xa dần trong đêm tối.
Nhìn ánh sáng yếu ớt của hoa đăng trên sông nước dưới trời đêm, một bối cảnh thơ mộng đượm chất linh thiêng huyền bí, tôi nghe bàn chân mình có cảm giác tê tê nhẹ nhỏm như mình sắp được bay bổng, siêu thoát.


Tiếng thở mạnh của cháu tôi đưa tôi trở về trần gian. Tôi nói với cháu mình :
- Đây là một kỷ niệm đẹp nhất của Huế trong đêm đầu tiên này của chúng ta. Mình sẽ ghi nhớ mãi !
Cháu tôi ngước mặt lên và trả lời cho tôi :
- Dạ, tata con sẽ không quên.

Chúng tôi cùng phái đoàn đến khách sạn lấy phòng, phòng cô cháu tôi rất đẹp dễ thương, đầy đủ tiện nghi và ấm cúng. Cữa sổ phòng chúng tôi quay ra mặt tiền nhìn xuống đường Hùng Vương chạy dài lên tới cầu Tràng Tiền.

Chúng tôi rủ thêm một cặp vợ chồng mới cưới trong nhóm cùng đi dạo. Bách bộ từ đường Hùng Vương tới cầu Tràng Tiền, rồi rẽ sang đường Trần Hưng Đạo. Mệt mỏi trở về khách sạn và từ giã, cùng chúc cho nhau những lời ngon giấc.


Trong đêm đầu tiên ở Huế, trước khi ngủ tôi ngồi thư thả uống tách trà nóng với chiếc bánh dừa ngon.
Tôi nhìn thấy mình đang miểm cười trong gương. Niềm hạnh phúc đơn sơ của đứa con trở về nhà.



Còn tiếp kỳ 3


Tràng Tiền Hoàng Hôn

Bạch tuyết
France, Paris 12.2004

(Cùng một tác gỉa )

 
 
 


Ghi rõ nguồn "yeuvietnam.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

<< GIAO KÈO >>