Mail Contact Home

Gửi cho bạn bè trang báo này



Di sản thế giới - Động Phong Nha

 

BÃI CỎ VÔ CÙNG

 
 

Quanh nhà Palomar có một bải cỏ. Đây không phải nơi thiên nhiên cần có bãi cỏ: vậy thì bãi cỏ là một vật thể nhân tạo, gồm các vật thể thiên nhiên, gọi là cỏ. Mục đích của bải cỏ là để tượng trưng cho thiên nhiên và sự tượng trưng này hiện ra là để thay cho thiên nhiên tại khu vực thiên nhiên, tự nó là thiên nhiên nhưng trong tương quan với khu vực ấy lại là nhân tạo. Ngắn gọn : tốn kém. Bãi cỏ cần kinh phí và lao động không ngừng gieo, tưới, bón, dọn, cắt.

Bãi cỏ được kết hợp bởi cỏ mã đề kim, cỏ lồng vực và cỏ ba lá : sự hổn hợp của những phần bằng nhau rải ra đất khi gieo hạt. Cỏ mã đề kim, lùn tịt và trườn bò, nhanh chóng chiếm thế: những đọt lá mềm, tròn, nhỏ, trải ra làm thảm, êm chân thích mắt. Nhưng bãi cỏ sẽ mang bề dày của những lưỡi cỏ mang tên lồng vực, sắc nhọn nếu chúng không quá lưa thưa và để được tha hồ mọc ra mà không cắt tỉa. Cỏ ba lá mọc bất quy tắc, chỗ này năm ba dụm, chỗ kia chẳng dụm nào, chỗ khác cả một biển đậm, tăng trưởng um tùm cho đến khi trỉu quỵ vì cái cánh chuồn đeo trên ngọn lưởi cỏ hóa nặng đè cong cái cọng mảnh mai của nó. Một máy cắt cỏ run lên bần bật, ầm ì đẩy đường xén hương cỏ tươi ngái ngợp thinh không, ngọn cỏ cắt bằng tìm lại dáng đứng tươi tắn, nhưng mảng ngoạm của lưỡi máy cắt cỏ lại vén mở một tính cách không đều, những khoảng lưa thưa trơ trụi, những miếng vá vàng úa.

Bãi cỏ, để phô dáng chăm cắt đúng cách, phải là một dàn trải xanh ngát đồng điệu cái kết quả trái với thiên nhiên mà các bãi cỏ thụ từ thiên nhiên đạt được một cách tự nhiên. Ở đây nếu quan sát từng chỗ một, bạn sẽ khám phá ra nơi nào là nơi tia nước xoắn xuýt của cái máy tưới nước không phun đến, và ngược lại, nơi nào là nơi nước bắn liên tục khiến rễ cỏ bị úng, rồi nơi nào là nơi được nước phun tưới một cách thỏa đáng để cỏ dại tranh thủ.
Polomar lúi húi trên bãi cỏ, anh đang nhổ cỏ dại. Một gốc bồ công anh bám đất, đáy xòe chùm lá răng cưa rậm dày, gác gối lên nhau : nếu lôi từ cuống, nó sẽ đứt trong tay mà rễ vẫn nằm nguyên trong đất. Cần phải nắm cả gốc, uốn gọn một đường êm ái mà rút trọn bụi rễ khỏi đất, có khi phải kéo theo cả mẻ đất và ít bẹ cỏ còm cõi sắp chết ngạt vì đám cỏ hàng xóm lấn tràn. Rồi bạn phải ném cái gốc phá đám này vào nơi nó không thể bắt rễ hoặc nẩy mầm lần nữa. Khi bắt tay nhổ một góc cỏ dại, lập tức bạn thấy một gốc khác mọc lên xa hơn một chút, rồi một góc khác, rồi lại một gốc khác. Vắn gọn, cái khoảng cỏ mướt như thảm ấy tưởng đâu chỉ cần dăm ba vun xới là đủ, nay cho thấy là cả một khúc rừng hoang.
Chỉ còn cỏ dại thôi à ? Tệ hơn thế : cỏ độc lại rất dày, chen lẫn cỏ tốt khiến bạn không thể thò tay vào nhổ. Hình như có một sự đồng lõa ngầm giữa cỏ trồng và cỏ dại, một nới lỏng vòng ranh, kết quả của sực chênh lệch về sự nảy nở, của sự cam phận chịu thoái hóa. Một số bụm cỏ tự phát, vì chúng và tự nơi chúng, chẳng mang chút ác ý hoặc ganh tị nào. Sao lại không thừa nhận chúng như những thành viên đủ quyền hạn để chúng hội nhập vào cộng đồng các loài cỏ trồng tỉa nhỉ ? Đây là con đường dẫn đến việc từ bỏ “ bãi cỏ Ăng Lê “ mà trở về “ bãi cỏ đồng quê”. để chính nó lo cho nó. “ Sớm muộn gì chúng ta cũng phải lấy cái quyết định này “, Palomar nghĩ, nhưng anh thấy điều này có vẻ không phải lẽ cho lắm. Một dụm cỏ diếp xanh, một lạt cỏ bồng chợt hiện trước trường nhìn. Anh bật rễ chúng.

Chắc mẩm là rứt một dúm cỏ nơi này, rồi rút một dúm cỏ nơi kia, chả giải quyết gì. Cần phải tiến hành thế này, anh nghĩ : cứ lấy một ô cỏ, dài một mét, rộng một mét, bứng sạch đến nơi đến chốn mọi sự hiện diện nhỏ nhặt nhất, trừ cỏ ba lá, cỏ lồng vực hoặc cỏ mã đề kim. Rồi lại tiếp tục một ô khác. Không, có lẽ không : chỉ nên thử một ô làm mẫu. Đếm xem có bao nhiêu cọng cỏ, thuộc loại nào, độ dày bao nhiêu, được phân bố thế nào. Trên cơ sở tính toán này, ta có thể đạt đến một trí thức thống kê, lập ra để mà…..
Nhưng đếm cọng cỏ là vô ích, bạn sẽ chẳng bao giờ biết con số thành. Một bãi cỏ không có một ranh giới rõ ràng, có nơi ngọn cỏ dừng ở bờ mép không mọc nữa, nhưng quá sang bên kia, vẫn có các ngọn cỏ mọc rải rác, rồi một tụ xanh dày, rồi một mảng lơ thơ : thế chúng vẫn còn thuộc bãi cỏ hay không ? Chỗ khác, một số bụi cây thấp bò lẫn trong cỏ : không thể phân biệt đâu là cỏ, đâu là bụi. Nhưng ngay cả nơi toàn là cỏ, bạn cũng không thể biết đến đâu thì có thể dừng đếm : giữa cọng nhỏ này và cọng nhỏ kia luôn luôn có một chồi lá be bé từ đất nhú lên, với một sợi rễ trăng trắng hầu như không thể nhận ra : mà khoảnh khắc trước đấy, bạn có thể không chú ý, nhưng chút nữa đây bạn phải tính đến. Trong lúc ấy, hai chồi non đàng kia, mới đây chỉ có vẻ vàng vọt thì lại hoàn toàn héo úa, không thể tính đến được nữa. Rồi có những lá cỏ nhỏ, cắt đứt đôi, xén sát đất, hoặc rách dọc theo sóng lá, những chiếc lá cỏn con đã mất thùy … Phân cộng nguyên chẳng ra nguyên, chúng vẫn hoàn là những đọn cỏ nhỏ nhoi, bị phá hoại, nửa sống, nửa nhão, làm thức nuôi dưỡng cho các loài thực vật khác …..
Cần phải đặt vấn đề thế này : bãi cỏ là một tập hợp cỏ, gồm một tiểu tập hợp cỏ trồng tỉa và một tiểu tập hợp cỏ tự mọc, gọi là cỏ dại ; khu vực giao nhau giữa hai tiểu tập hợp là một đám cỏ mọc tự phát nhưng lại trực thuộc các loại cỏ trồng tỉa và như thế không thể phân biệt rạch ròi được. Hai tiểu tập hợp này đến phiên chúng lại bao gồm các loại cỏ khác nhau, mỗi loại lại là một tiểu tập hợp, hay nói rõ hơn, mỗi loại là một tập hợp bao gồm cái tiểu tập hợp của những gì trực thuộc nó mà cũng trực thuộc bãi cỏ và trực thuộc cái tiểu tập hợp của những gì ngoài bãi cỏ. Gió thổi, phấn và hạt bay, quan hệ giữa các tập hợp bị đảo lộn…
Lúc này thì Palomar đã chuyển sang dòng suy nghĩ khác : cái chúng ta thấy là “ bãi cỏ “ hay là một ngọn cỏ cộng thêm một một ngọn cỏ cộng thêm một ngọn cỏ …??? Điều mà chúng ta gọi là “ thấy bãi cỏ “ chỉ là một hiệu ứng của cái cảm quan thô và gộp của chúng ta, một tập hợp chỉ có thể tồn tại khi được cấu thành bởi những thành tố riêng. Chẳng phải chỗ để đếm, con số không quan trọng ; quan trọng là thu nắm qua một cú đưa mắt những ngọn cỏ đơn lẻ, từng ngọn một, trong tính cách đặc thù và khác biệt của chúng. Và không chỉ thấy chúng thôi mà nghĩ đến chúng. Thay vì nghĩ “ bãi cỏ “ hãy nghĩ cái cọng hai đọt ba lá, hãy nghĩ ngọn lá lưỡi mác hơi cong, hãy nghĩ ngọn lá mong manh ….
Palomar lơ đãng, anh không nhổ cỏ nữa, anh không nghĩ về bãi cỏ nữa: anh nghĩ về vũ trụ. Anh đang thử áp dụng vào vũ trụ tất cả những điều anh nghĩ về bãi cỏ. Cái vũ trụ như một cõi điều hòa, trật tự, hoặc sinh sôi nảy nở một cách hỗn loạn. Cái vũ trụ có lẽ xác định nhưng vô tận, bất ổn trong vòng biên của nó, mở ra trong chính nó những vũ trụ khác. Cái vũ trụ, tập hợp của thiên thể, tinh vân, bụi trời, trường năng lượng, trường giao thoa, tập hợp của những tập hợp …



( Trích dẫn: chương “NHỮNG NGÀY HÈ CỦA PALOMAR” trong đề mục PALOMAR TRONG VƯỜN từ trang 43 đến trang 48 )

1 - ITALO CALVINO ( 1923 – 1985 ) Bậc thầy về phúng dụ và tưởng tượng , một trong những nhà văn ITALIA nổi bật khoảng nửa sau thế kỷ XX.
2 - PALOMAR (1983) tiểu thuyết cuối cùng và là một trong những tiểu thuyết sáng giá nhất của ITALO CALVINO.


ĐỘNG PHONG NHA - HANG HOÀNG HẬU
Sưu tầm
PALOMAR TRONG VƯỜN
Tác giả : ITALO CALVINO (Italia)
Dịch giả : VŨ NGỌC THĂNG (Canada)

Bích Vân
ITALIA, MILANO 4.2005

 
 
 


Ghi rõ nguồn "yeuvietnam.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

<< GIAO KÈO >>