Mail Contact Home

Gửi cho bạn bè trang báo này

Lữ Hành


Hàn Mặc Tử :
Gái Quê

Ngâm thơ Khắc Tư


Tháp Chăm

 

Bình Định - Qui Nhơn

 
 

Trên chuyến xe lửa giờ chỉ còn lại một mình tôi vì hầu như khách đã xuống hết từ hồi 5g sáng tại bến ga Lăng Cô.
Tôi ngủ tiếp cho tới 8g sáng. Xe lửa dừng lại trạm Quảng Ngải rồi Đức Thọ. Tôi cửi bớt áo vừa nhìn hàn thử biểu trong balô của tôi chỉ 20°C khi tới trạm Phù Mỹ. Qua khỏi đèo Hải Vân ta từ giã khí hậu miền Bắc lạnh mát và bắt đầu đón nhận cái nóng bức tăng dần dần khi tiến về phía Nam.

Có hai nhân viên đường sắt mặc đồng phục đi ngang, dừng lại trước phòng tôi và hỏi:

- Thức rồi à, sao không đi ăn sáng, bây giờ đã là trên 9g sáng rồi còn gì ?
- Vì tôi cảm thấy chưa đói các ông à.
- Cô là người của nước nào và từ đâu đến ?
- Tôi là người việt nam từ Việt nam đến nước Việt nam.
Cả hai ông cùng cười với câu trả lời ngây ngô của tôi.
- Thôi ! Đi ăn sáng đi nhé, toa hàng ăn kế bên toa xe này, chỉ cần băng qua là sẽ tới ngay.
- Dạ cám ơn các ông.
Hai ông lại đi tiếp và để lại tôi một mình nhìn ngắm phong cảnh trôi nhanh bên ngoài khung của sổ. Một lúc sau tôi đi ăn sáng.
Toa xe phục vụ không thua gì toa xe hàng ăn dành cho hành khách của Âu Châu. Có đủ thứ thức ăn và có cả cháo cá, thịt và mì.
Tôi gọi một tô mì và một tách cà phê. Chiếc bàn rộng chỉ có một mình tôi ngồi. Những bàn bên cạnh đã có dăm ba người chiếm. Cô phục vụ rất duyên dáng. Với nụ cười tươi cô mang thức ăn đến cho tôi.
Ăn tô mì xong tôi định trở về phòng thì lúc ấy có một cậu trẻ tuổi lại ngồi ngang mặt tôi. Khi thấy tôi đứng dậy thì cậu lại hỏi tôi, với nét mặt khó chịu :

- Sao lại bỏ đi à ? Tôi mới tới mà lại bỏ đi ? Bộ tôi tởm lắm à ?
Mọi người hướng về tôi, chờ xem cách ứng xử của tôi với ông ấy.
- Hình như tôi đã thanh toán tiền trước khi ông đến. Không đâu. Tôi không hề tởm gì cả.
Cậu ta thò lỏ đôi mắt và nói tiếp:
- Bộ tôi già lắm hay sao mà gọi tôi bằng ông ?
- Không, đó là phép lịch sự khi tôi đối thọai với ông vậy thôi.
- Ối dzời ơi ! Người ở nước nào về vậy ?
- Người ở nước Việt Nam và về Việt Nam.

Mọi người trên toa cùng cười ấm lên.
Tôi không để cho cậu ta hỏi tiếp và đứng dậy trở về toa xe mình.


Bảo tàn Quang Trung

Khi về phòng, chừng nữa tiếng đồng hồ sau một người đàn ông trong y phục đường sắt, đã có mặt trong toa hàng ăn lúc nãy, đi ngang và dừng lại hỏi :
- Một mình như vậy không buồn à ?
- Dạ không ông à.
Ông vào phòng và ngồi trên chiếc giường trống đối diện tôi vừa hỏi tiếp vừa liết mắt vào tập sổ tay của tôi :
- Không đọc sách mà viết gì thế ? mà lại biết viết chữ việt nữa à ? giỏi quá nhỉ !
- Ông chớ nên khen ngợi tôi quá lời như thế. Coi chừng cái lổ mủi tôi nó nở to ra là nguy đó.
Cả hai chúng tôi cùng cười.
- Sao cô thích gọi bằng ông nhỉ ?
Cả hai chúng tôi cũng lại cùng cười tiếp vì ông cũng đùa và ngụ ý muốn ám chỉ gì ai đó. Hi ! Hi !
- Tôi quen dùng từ này khi tôi đối diện với phái nam xa lạ ông à.
Theo ông, tôi phải dùng từ nào cho đúng cách xưng hô hơn ?
- Hồi nảy với cậu kia thì cô nên gọi là cậu mới đúng.
- Còn ông ? Thưa. .. ông quan Ba. Phải không ?
ông cười và trả lời :
- Cô tinh mắt nhỉ. Cô có thể gọi tôi bằng anh đấy !
- Anh à ? Ông bao nhiêu tuổi mà bắt tôi phải gọi ông bằng anh ? E rằng ông sẽ già thêm lắm đấy hi ! Hi !
- Cô bao nhiêu tuổi mà chê tôi già ?
- Tôi đã xắp xĩ gần 50 rồi đó.
- Cô đùa với tôi vừa thôi đấy. Cao tay lắm cô chỉ có 40 là cùng.
- Tôi không đùa với ông đâu.
- Nếu không đùa thì cho tôi coi bằng chứng !
- Bằng chứng gì ?
- Thẻ thông hành của cô đấy.
- Nếu tôi không đưa ra cho ông thì sao ?
- Thì là cô nói phét với tôi ! chứ sao.
- Sao ông biết tôi có sổ thông hành ?
- Trông nước da, màu tóc, dáng cô đi và tướng mạo của cô.
- Ông lại khen tôi vô lý nữa rồi ông ơi. Làm sao tôi được như thế. Tôi không là gì cả.
Rồi ông nhìn tôi thật lâu trong sự im lặng. Xe lửa đả tới trạm Bình Định. Ông vẫn không nhúc nhích. Tôi hỏi :
- Còn những mấy trạm nữa mới tới thưa ông ?
Ông miễm cười và trả lời :
- Còn 2 trạm nữa là tới Quy Nhơn, cô đi tới đâu ?
- Tôi đi tới Quy Nhơn.
- Cô từ đâu đến Đồng Hới ?
- Tôi từ Ninh Bình.
- Cô từ đâu đến Ninh Bình ?
- Từ Yên Bái tới Hà Nội và đến Ninh Bình.
- Cô từ đâu đến Yên Bái ?
- Từ Sa Pa, Lao Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn trở lại Yên Bái.
- Cô từ đâu đến Sa Pa ?
- Tôi từ Hạ Long, Móng Cái về Hà Nội đến Lào Cai về Sa Pa.
- Cô Từ đâu đến mà về Hạ Long ?
- Tôi từ Hà Nội về Hạ Long.
- Như vậy, cô đã trở lại Hà Nội đến những 3 lần và cô từ đâu đến Hà Nội ?
Cả hai chúng tôi lại cười thêm một lần nữa vì sự tò mò của ông và tôi đã hiểu ý ông ấy ngay từ lúc đầu ông muốn hỏi về điểm chánh của tôi. Tôi im lặng một hồi lâu và trả lời :
- Thưa ông, tôi phải làm cách nào để dấu mình là một người Việt Kiều ?
- Không có cách nào cả, dù rằng cô nói rất sõi tiếng mẹ đẽ của mình, cho nắng cháy da hay cô thế nào đi nữa cũng không thể qua mắt người dân Việt Nam được, cô chưa trả lời tôi đấy nhé !
Ông lại cười miếm chi.
- Thưa ông, có bắt buộc tôi phải trả lời hay không ?
- Không cô ạ. Nhưng cô không muốn làm vui lòng người dân Việt Nam sao ?
- Thưa ông, dù cho tôi có là một người Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức hay Anh v.v.. tôi cũng cùng là một con sông chảy ra biển như mọi người Việt Nam chúng ta phải không ?
- Đúng thế. Cô nói rất đúng nhưng trông cô rất vui vẻ nên muốn hỏi cho biết vậy thôi. Chẳng phải chỉ có 1 mình tôi muốn biết thôi đâu. Tất cả những người trên toa hàng ăn cũng thắc mắc vậy thôi.
- Tôi từ bên Pháp tới Hà Nội.
- Tôi cũng đoán cô từ bên Pháp về.
Rồi cô sẽ định dừng chân ở Quy Nhơn ăn tết ?
- Dạ không, tôi sẽ ở lại Quy Nhơn vài ngày rồi sẽ đi Sài Gòn, đi Campuchia xong xuôi tôi mới trở về Sài Gòn ăn tết với gia đình.
- Sao cô lại đi nhiều thế? Nhất là cô đi các vùng trong nước Việt Nam ?
- Ông biết không ? Đi nhiều như thế là để tôi trả thù đó ông ơi.
- Trả thù. mà là trả thù ai ?
- Trả thù định mệnh đã không cho tôi sống tại nơi đất nước Việt Nam mến yêu này nên tôi muốn trả thù bằng đi khắp hết từ Bắc chí Nam. Tôi muốn để lại vết chân mình trên khắp bãi cát của biển đông.
- Đây là lần đầu tiên cô trở về quê hương ?(ông vừa hỏi tiếp vừa biên chép sổ sách)
- Dạ không ông à. Đây là lần thứ 6 tôi trở về.
- Thế à ( ông ngước lên hỏi tôi ). Lần đầu tiên cô về là lúc năm nào ?
- Năm 1989 tôi về lần đầu tiên với cả gia đình tôi thăm quê hương và bà con họ hàng.
- Gia đình cô là những ai thế ?
- Gia đình tôi gồm có 4 người : nhà tôi và 2 đứa con trai của chúng tôi.
- À, cô đã lập gia đình và đã có 2 con. Thế kỳ này cô về, cô thấy nước Việt Nam ta như thế nào và có gì thay đổi không ?
- Thưa ông, Việt Nam bây giờ đã đổi mới, nền kinh tế đã lên rất là cao. Việt Nam bây giờ cái gì cũng biết làm và sản xuất được. Cái gì cũng có hết. Tôi rất tự hào và hảnh diện khi nhìn thấy bây giờ đất nước Việt Nam ta thành công trong sự phát triển mạnh mẻ như vậy.
Cũng như hiện thời, nhờ có rất nhiều đầu tư nước ngoài vào và những công ty mạnh mẻ nên người dân Việt Nam có công ăn việc làm và đời sống được hạnh phúc hơn xưa.
- Đúng thế, (ông vừa nói đôi mắt ông vừa sáng và vui tươi ) Cô sang bên Pháp từ hồi cô bao nhiêu tuổi ?
- Lúc tôi lên 18.
- Vậy trước kia cô ở đâu ?
- Tôi ở Campuchia.
- À tôi hiểu rồi. Ông vừa nói vừa gật đầu với khuôn mặt nghiêm nghị và suy nghĩ.
Tôi lại hỏi ông :
- Từ Đồng Hới đến Quy Nhơn có tất cả là bao nhiêu trạm phải ngừng vậy ông ?
- Tất cả là 20 điểm phải dừng lại.
- Nghĩa là ?
- Nghĩa là : Đồng Hới - Mỹ Đức - Mỹ Trạch - Sa Lung - Đông Hà - Quản Trị - Huế - Cầu Hai - Lăng Cô - Đà Nẳng - Tam Kỳ (Quảng Nam) - Núi Thành - Quảng Ngải - Đức Thọ - Tam Quang - Bồng Sơn - Phù Mỹ - Bình Định - Diêu Trì và Quy Nhơn.
- Cám ơn ông.
- Không có chi.
- Còn nói về tuyến đường sắt này được khẩn trương thiết lập vào năm nào ?
Ông nhìn tôi hồi lâu và trả lời :
- Có phải cô đang viết báo nói về quê hương của mình ?
- Dạ cũng không đúng cho lắm, đó chỉ là tính hiếu kỳ của tôi muốn biết sâu hơn về quê hương ta vậy thôi.
- Tốt đấy, tôi sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi cho cô hài lòng.
- Cám ơn ông.
- Theo sự hiểu biết của tôi thì, tuyến đường sắt này trước nhất là do "Hải Phòng" - "Hà Nội" - "Lào Cai" - "Vân Nam phủ" khởi công xây dựng từ năm 1901, năm sau được mở cửa khai thác vào ngày 16 - 6 - 1902 và kết thúc vào quý đầu năm 1910.
- Chỉ có những 10 năm thôi à, và còn nơi đâu nữa ?
- Pháp thuộc cho xây đường tuyến thêm từ Hà Nội bắt qua đến Việt Trì và mở cửa vào ngày 10 - 03 - 1903.
Việt Tri đến Yên Bái vào ngày 1- 7 - 1904.
Yên Bái đến Lao Cai vào ngày 1 - 02 - 1906.
Rồi Lào Cai đến Vân Nam phủ ngày 1 - 04 - 1910.
- Cô đang nghĩ gì mà im lặng thế ?
- Tôi đang nghĩ tới những người Việt Nam của tôi và thương cho những người dân còng lưng trong những công trường xây dựng này. Thời ấy, trong những thập niên đó, không có máy móc tối tân như thời bây giờ, ăn uống không được đầy đủ, khí hậu miền Bắc mùa đông lạnh buốc, mùa hạ nống cháy da ngoài đường, rừng núi muôn trùng, phải phá rừng đập núi, những người dân đã phải gánh chịu biết bao cảnh khổ cực, gian nan, vất vã. ... Rồi cậu tiếp lời tôi.
Đúng, thời ấy, dân ta khổ cực, nhục nhằn của cái kiếp "phu mộ" ra đi không ngày trở về, gục chết tại công trường hoặc trở về quê hương bản quán của mình nhưng với tấm thân tàn tạ, kiệt sức.
Rồi ông nhìn tôi cảm động và nói :
- Thôi nhé, cô không nên buồn như vậy ! Bây giờ là hoà bình. Đất nước ta đang mạnh lên và chúng ta không còn trong thời đại ấy nữa. Cô phải vui lên mà cùng thụ hưỡng chứ !
- Ông nói đúng. Việt Nam ta đã khổ quá nhiều bây giờ dân ta có quyền vui sống, hạnh phúc và ấm no nhưng. ..
- Nhưng sao ?
- Không vì thế mà chúng ta phải quên thời xa xưa ấy, thời mà dân ta đã trải qua. Nhờ các đân thời xưa khổ nhục nên ta đã có ngày hôm nay với một đường sắt từ Bắc tới Nam, đi êm và thoải mái như thế này.
- Tất nhiên rồi.
Chúng tôi nói tới đây thì 2 ông xếp toa ban nãy trở lại và miễm cười nói.
- Lê ở đây mà tụi này kiếm mãi.
- Vân, tôi ở đây với một cô việt kiều từ bên Pháp về. ( ông lập lại những gì chúng tôi vừa đàm thoại ban nảy cho 2 ông bạn đồng nghiệp của ông). Chúng tôi mtrao đổi trong một bầu không khí sôi nỗi cho đến khi đến trạm Quy Nhơn.

Tôi đã đến thành phố Quy Nhơn vào lúc 11g 15 phút. Trời nắng chang chang, Tôi lấy phòng khách ở gần ga xe lửa cách một con đường. Đặt vali xong là tôi đi ăn cơm trưa ngay.


Di tích Tây Sơn

Diện tích của Bình Định : 6.076 km²
Dân số 1. 500.000 người
Tỉnh lỵ : Thành phố Quy Nhơn
Mười huyện : An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phú Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước.
Dân Tộc : Việt ( Kinh), Chăm, Bana.

Là một tỉnh duyên hải miền Trung, phía bắc giáp Quảng Ngãi, tây giáp Gia Lai, nam giáp Phú Yên, đông giáp biển Đông. địa hình Bình Định đa dạng có vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Bờ biển dài hơn 100km với nhiều đảo lớn, nhỏ ngoài khơi. Tỉnh có suối nước khoáng ở huyện Phù Cát.

Nhiệt độ trung bình cả năm là 26°C - 28°C. Lượng mưa trung bình năm là 1.700 - 1.800mm. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12, tập trung 70 - 80% lượng mưa cả năm.

Bình Định có đường giao thông thuận tiện, quốc lộ 1 chạy qua tỉnh, quốc lộ 19 nối Qui Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai và Kon Tum; tàu Thống Nhất dùng lại tại ga Mường Mán Cách Qui Nhơn 11km; sân bay Phù Cát cách Qui Nhơn 36km về phía bắc; cảng biển Qui Nhơn là một cảng lớn của khu vực Nam Trung bộ.

Bình Định có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa như : tơ lụa, yến sào, tôm, cá, gỗ quí, trầm hương, dầu thực vật, gạo, đá ốp lát và hàng thủ công mỹ nghệ.

Văn Hoá - Lễ Hội

Bình Định là tỉnh có nền văn hoá lâu đời, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc và văn hoá của người Chăm, đặt biệt là thành cổ Chà Bàn, nơi đã từng là cố đô của vương triều Chămpa. Các cụm tháp Chàm có kiến trúc độc đáo như : tháp Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, tháp Đôi. Bình Định là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Vùng đất Bình Định có nhiều lễ hội truyền thống. Dưới đây một số lễ hội tiêu biểu:

Lễ Cúng Cá Ông

Ở các xã ven biển Bình Định thường xuyên mở hội cúng Cá Ông vào ngày 15/3 âm lịch tại đền thờ Cá Ông. Theo truyền thuyết, Cá Voi thường cứu giúp thuyền và người bị nạn trên biển. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong hội còn có hát bả trạo, hát bội.

Lễ Hội Đống Đa

Lễ hội Đống Đa được tổ chức hàng năm vào ngày 5/1 âm lịch (chính hội), bắt đầu tổ chức từ ngày mồng bốn và kéo dài đến vài ngày sau tại xã Nghi Bình, huyện Tây Sơn để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùnh áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa (năm 1789), đánh thắng 29 vạn quân Thanh.
Ngoài nghi lễ truyền thống, trong hội còn có nhiều hoạt động văn hoá dân gian các dân tộc Việt, Bana ; nhiều cuộc biểu diễn võ thuật như đấu võ, đánh côn, đi quyền... Tiếc mục độc đáo của lễ hội là cuộc thi đánh trống bộ, mỗi bộ là 12 chiếc trống da, còn gọi là trống trận Tây Sơn và diễn cảnh đánh trận giả làm sống lại khí thế hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa trên đất Tây Sơn - Bình Định.

Lễ hội Đổ Giàn

Tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn.
Ngoài ý nghĩa lễ Vu Lan - lễ báo hiếu nhà Phật, đây còn là hội đua tài của các cô võ sĩ của các làng võ quanh vùng. Trong lễ hội có nhiều sinh hoạt văn hoá, đặc biệt là hát bội. Phần chính của hội là tranh tài cướp heo quay, vật cúng thần từ trên giàn cao tung xuống mang về cho làng mình. Người thắng cuộc là người được nhân dân quý trọng.

Hội Làng Thị Tứ

Làng Thị Tứ thuộc xã Đập Đá, huyện An Nhơn, là làng có truyền thốn làm rèn và chạm vàng tây. Lễ hội hàng năm vào ngày 12/2 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của ông Đào Giã Tượng, ông tổ của nghề rèn đã có công truyền nghề cho dân làng. Lễ hội diễn ra ở nhà thờ họ Đào để cúng lễ tổ sư nghề rèn, cỗ bàn rất linh đình.Sau lễ tế có vui chơi, ca hát văn nghệ.

Hội xuân chợ Gò

Hội xuân chợ Gò được tổ chức vào 2 ngày : mồng một và mồng hai tết tại chợ Gò, Trường Úc, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước.
Trong hội chợ có bán nhiều hàng hoá, chủ yếu là trái cây các loại, đồ chơi trẻ em... và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, hát bài chòi, cờ người, hái lộc, dạo cảnh....


Một góc biển Qui Hòa - (từ Trại hủi)

Bửa cơm trưa rất ngon và thú vị tại Quê Hương. Lúc bụng đói tôi ăn một hơi hết 3 món và 1 tô cơm : 1 dĩa tôm chua, 1 thịt heo nướng và 1 bông cải sào với mực. vừa ăn vừa uống bia hơi ướp lạnh. Trong quán giờ này chỉ có tôi là khách nên tôi ăn rất là tự nhiên. Tôi được cô phục vụ cho biết là buổi trưa thường hay vắng khách chỉ riêng có buổi tối và cuối tuần mới đông người hơn.
Ăn cơm xong tôi trở lại khách sạn đánh một giấc cho khỏe. Khi thức dậy mặt trời bớt nắng. Đồng hồ chỉ 17giờ chiều.

Tôi lấy xe đi Ghềnh Ráng. Đến nơi tôi mua vé vào cửa. Đây là một quần thể du lịch rất hữu tình và thơ mộng ở đông nam Qui Nhơn, cách trung tâm thành phố 3km. Ghềnh Ráng có diện tích rộng 35 ha, duới bóng mát của những hàng cây cảnh cổ thụ, có những cây thông khỏe mạnh, và những loài hoa xinh đẹp, một lối đi được trán nền sạch sẻ, vài trăm thước phía bên tay trái có một tấm bia ghi khấc "Ghềnh Ráng Di Tích Danh Lam Thắng Cảnh, Được Nhà Nước Công Nhận Xếp Hạng. 15 / 11 / 1991.

Qua tấm bia đá có lối đi xuống dốc bậc thang đưa ta đến một hang đá Đức Bà Maria đồng trinh rất đẹp. Tôi ở lại cầu nguyện Tạ Ơn Mẹ đã ban phước cho tôi được đến nơi này thăm Mẹ.
Trở lại bia đá ban đầu, băng qua đường và leo lên những bậc thang. Phía trên đỉnh là khu mộ của Thi nhân Hàn Mặc Tử.

Tôi đến trước mộ ông để đặt bó hoa hồng 5 màu, đốt 3 nén hương tưởng niệm. Tôi khấn thầm : - Thưa Thi sĩ, Em Út đến thăm ngày 11 tháng 1 đúng như lòng đã hứa hẹn. Em Út rất vui mừng khi hiện thực chuyến thăm Quy Nhơn nơi an nghỉ cuối cùng của Thi sĩ. Em xin cầu cho hương hồn Thi sĩ được yên bình trong vòng tay Đức Mẹ vĩnh cửu.

Bước vào nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử tôi loay hoay chụp hình, quay film.. Khi trở ra, tôi định đến thăm cửa hàng của Dzũ Kha thì ông đã đóng cửa tự lúc nào. Thôi đành đi trở xuống và thả bộ trên con đường ven biển Ghềnh Ráng. Quanh tôi có ánh nắng vàng úa của chiều tàn êm dịu. Có tiếng đàn chim kéo nhau về tổ. Có tiếng sóng rì rào khi xa xăm khi gần gũi. Có tiếng róch rách trong trẻo của những con suối dọc lối đi. Tôi thả bước say mê, mãi cho tới trời gần tối mờ đành phải đánh bộ quay về Qui Nhơn.

Từ cửa ra Ghềnh Ráng tôi đi suốt một đọan dưới ánh đèn đường Hàn Mạc Tử, chợ chiều còn bán và những quán ăn bình dân đông khách ăn uống rộn ràng, tôi đi ngang qua một nhà thờ Ghềnh Ráng tiếp đó là con đường An Dương Vương và đến bải biển Qui Nhơn, dưới ánh đèn điện tôi lần ra bải cát đi dạo trong bóng tối ngăm chân trong nước biển, lòng tôi thích thú và hân hoan vô cùng như trẻ thơ được quà. Tôi gặp một hòn đá to tướng nằm ỳ trên bãi. Tôi ngồi xuống nghỉ chân và cứ như thế tôi tâm sự cùng biển trong đêm tối.

Sáng hôm sau, vì quá mệt mỏi và thức khuya ngoài biển, tôi thức dậy muộn vào lúc 10 giờ 4O. Tôi đến bưu điện bỏ thư, đi ăn cơm trưa rồi trở lại Ghềnh Ráng. Mặt trời đã lên cao. Đã 13 giờ ngoài. Trời nóng tới 24°C nhưng tôi cảm thấy mát mẻ vì ngồi dưới bóng cây và gió biển. Khu Ghềng Ráng này hôm nay càng thơ mộng và sinh động. Tôi chụp hình và quay phim.

Tôi trở lại thăm mộ Hàn Mạc Tử một lần nữa và lần này tôi được gặp Dzũ Kha, ông đang ngồi vẽ với bút lửa trên một tấm gỗ, tác phẩm mà ông đang họa đó là một phong cảnh biển cả đẹp vô cùng.
Tôi nhìn quanh gian lều nhỏ, một bàn thờ đặt ảnh Hàn Mặc Tử với những 3 cây nhang đang cháy tỏa khói hương trầm thơm ngát. Một chiếc tủ kính đặt các tác phẩm của thi sĩ Hàn và sách viết về Hàn Mặc Tử. Những Bức Tranh, thư pháp bằng gỗ thông và giấy treo chật kín tường. Tại một góc khá trang trọng và sáng sủa là những chân dung của Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương mà tôi thầm nghĩ cho là những đóa hoa Ngũ sắc của ông Hàn.

Trước khi đến đây và được gặp ông Dzũ Kha tôi đã biết về ông qua những hình ảnh và trang báo họ nói đến Dzũ Kha : Ông Dzũ Kha có mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ với đôi mắt sâu đượm buồn, ông có một cái tên thật đẹp là Trương Vũ Kha, là người Phú Cát Bình Định, sinh năm 1960.
Sau khi tốt nghiệp Mỹ Thuật tại Sài Gòn ông về Quy Nhơn mở phòng tranh nghệ thuật tại Quy Hoà, là một người yêu thơ Hàn Mạc Tử với lòng đam mê đến độ đã dựng lều cỏ cạnh nơi an nghỉ cuối cùng của thi sĩ tại Ghền Ráng. Dzũ Kha chép thơ Hàn trên gỗ thông thơm và vẽ tranh Thủy mạc trên gỗ bằng cây bút lửa điệu nghệ của mình phục vụ du khách.

Tôi lên tiếng :

- Chào ông Dzũ Kha, hôm qua, thấy ông loay hoay với khách Nhật bổn nên tôi không đến gặp ông liền và sau khi trở ra nhà lưu niệm của ông Hàn Mặc Tử thì ông đã bay đi mất tiêu rồi.

- Chào chị, xin lỗi chị, hôm qua vì có hẹn nên phải đóng cửa tiệm sớm. Ông vừa nói vừa cười với tôi.
- Nhưng không sao, nhờ như vậy mà tôi trở lại một lần nữa phải không ông hi ! Hi !

Ông cũng hi ! Hi ! và tiếp lời tôi :
- Chị từ đâu đến và nên gọi tôi bằng Dzũ Kha là đủ rồi ?
- Tôi từ bên Pháp ông à.
- Chị đến Qui Nhơn lâu chưa vậy ?
- Dạ mới tới hôm qua và đúng hẹn với anh Hàn Mạc Tử.
- Vậy à ! Chứ không hẹn với tôi sao hi ! Hi ! ? Sao ai cũng yêu thích anh Hàn hết.
- Bộ Dzũ Kha cũng ganh tị với ông Hàn à ? Tôi thì không giám yêu Ông Hàn đâu, tôi chỉ ngưỡng mộ và quý trọng ông ấy mà thôi.

Dzũ Kha ngước mặt lên nhìn tôi và mĩm cười. Ông kể cho tôi nghe về ông Hàn và về khu Ghềnh Ráng này với chất giọng Bình Định gốc của anh nghe đằm thắm và trầm buồn làm sao :

- Qui Nhơn và Ghềng Ráng này không phải lúc nào cũng đẹp như vậy hết. Có những ngày của mùa mưa lạnh kéo dài lê thê buồn lắm. Có những lúc sương mù bao phủ, không một bóng người đến, tôi ngồi đây mà rủ rợi..
- Có lẽ nhờ tình trạng này mà Dzũ Kha làm ra những bài thơ hay như vậy (tôi vừa lước qua 1 trang trong sách của ông và vừa nói như thế ).
Dzũ Kha vừa nhìn tôi vừa trả lời :
- Có thể đúng vì những lúc đó tôi có nhiều nguồn cảm hơn hết.
- Dzũ Kha vẻ và khắc vào tranh như vậy có đủ sống không ?
- Cũng tùy mùa và tuỳ lượng khách đến viếng thăm.
- Thế một ngày đông khách đến thăm là chừng bao nhiêu người hả Dzũ Kha ?
- Trung bình với những ngày có nắng đẹp là có thể trên 200 người còn mùa mưa thì hiếm và vắng hơn.
- Nếu ở Qui Nhơn này, mùa mưa tôi cũng đến đồi này và sẽ ngồi lại đây đọc thơ của ông Hàn. Nhìn phong cảnh trong sương mù, biển động và tiếng gào thét của gió...

- Chị là một người cứng cỏi nhất phải không ?
Tôi gặt đầu và cười mím chi.
Cả hai chúng tôi cùng cười và tôi nói tiếp :
- Dzũ Kha này, đúng ra tôi sẽ mua một bức tranh của Dzũ Kha về làm kỹ niệm nhưng, suy nghĩ lại, tôi sẽ mua 1 cuốn sách của Dzũ Kha và nếu có thể Dzũ Kha tô bút lửa lên trang đầu cho tôi với 4 câu thơ của ông Hàn trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ, tôi sẽ trả tiền công lao cho Dzũ Kha với số tiền trị giá của một bức tranh, Dzũ Kha nghỉ sao ?

- Được chứ, lần đầu tiên tôi mới được gặp một người như cô có một ý kiến ngộ nghĩnh như vậy hi ! Hi !
- Đó là vì tôi ao ước được có một cuốn sách của Dzũ Kha. Nó sẽ có ý nghĩa hơn bởi tôi là con mọt sách Dzũ Kha à hi! Hi!

Dzũ Kha khắc lên bốn câu thơ của ông Hàn trên trang sách cho tôi :

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

Bàng tay Dzũ Kha vẻ từng nét đều đặng tuyệt vời, đầu ngòi bút lửa cháy vòng đỏ mỏng lả lướt nhẹ nhàng trên mặt trang giấy mong manh như rồng bay phụng múa, mềm mại một cách đáng khâm phục (tôi thầm nghỉ : vẽ bút lửa trên trang giấy mỏng không phải là dể như vẻ bằng bút lông với sơn dầu hay sơn thủy vì nếu vẽ nhẹ quá thì không đạt được nét chữ mà nếu tô chậm nét chữ quá thì cũng sẽ bị cháy và sẽ lủng giấy đi ) ông thuộc lầu hết từng câu thơ của ông Hàn, D Kha hỏi tôi tên là gì ? Sau khi tôi trả lời, Dzũ Kha đề "Quý tặng Bạch Tuyết" và ký tên.
Tôi cười và nói :
Hà há ! D Kha, không mắt cở vì bắt chước tôi với ý nghỉ người bạn quý ?
D Kha nghe tôi nói trúng tim đen của mình nên bật cười hề ! Hề !

Tôi trả tiền cho D Kha và chào tạm biệt. D Kha vừa tiển chân tôi tới bậc thang hướng mắt về đồi Mộng Cầm vừa hỏi :
- Bao giờ Tuyết sẽ trở lại ?
- Người lữu hành như tôi chỉ biết ra đi chứ không bao giời biết hẹn ngày trở lại, Dzũ Kha à.
- Vậy thì chúc Tuyết đi thượng lộ bình an và hy vọng có ngày tái ngộ nhé.
- Cám ơn Dzũ Kha, chúc Dzũ Kha vui khỏe và phát đạt nhiều hơn trong tương lai.
Xuống bậc thang đá tôi đi tiếp con đường mà ngày hôm qua mình đã bỏ dỡ dang. Hôm nay bầu trời xanh nắng tươi thật đẹp. Con đường ven bờ biển dài tới Quy Hoà, trại hủi, khoảng cách chừng 3km. Con đường đưa tôi đến Bãi Đá, bãi tắm Hoàng Hậu.
Tôi ngồi lại quán uống nước ngọt và ngắm bãi biển. Bãi sỏi đá xanh viên đá xinh nhẵn thín cho tôi mường tượng đến một bãi trứng khổng lồ. Nhìn từ trên cao cảnh này rất đẹp mắt.

Phía trước bãi là những ghềnh đá tự nhiên ngày ngày vươn vai che sóng gió. Để ban cho con người làn nước trong xanh phẳng lặng.

Trước năm 1945, vua Bảo Đại đến đây nghỉ mát. Vua cho xây khu nhà 3 tầng giống hình một con tàu đang lướt sóng. Có sân thể thao bên cạnh bãi tắm, bãi trứng đá khổng lồ. Nơi này chỉ dành riêng cho Bà Nam Phương Hoàng Hậu tắm. Vì vậy bãi có tên "Bãi tắm Hoàng Hậu".
Ngày nay, bãi tắm Hoàng Hậu dành cho tất cả mọi người.

Tôi rời bãi, đi tiếp con đường vài trăm bước là đến hòn chồng, hòn vợ, hòn vọng phu. Những tượng đá giống mặt người, những hang động muôn hình vạn trạng. Những đầu sư tử, đầu voi... mà thiên nhiên nghìn vạn năm tạc tạo cho ghềnh đá này.
Bãi Ghềnh Ráng là khu an dưỡng chữa bệnh lý tưởng. Dọc lối đi, một bên là núi rừng có tiếng suối reo, một bên là biển. Biển bao quanh bờ phía đông của Tp.Qui Nhơn và bản đảo Phương Mai.
Tôi vừa đi vừa chiêm ngưỡng cho đến khi bắt gặp chiếc tàu bị đắm nằm chênh vênh gần bờ. Tôi đi tiếp chừng vài trăm mét là đến trại cùi.

Tôi mua vé vào cửa.
Đi vào sâu vài mét và rẽ phải tôi gặp đài kỷ niệm - nơi an táng đầu tiên của nhà thơ Hàn Mặc Tử tại Quy Hoà. Cạnh mộ cũ của ông Hàn có một con suối dã khô cạn âm thầm dưới bóng mát hàng cây thưa.

Phía cuối lối đi nhỏ có tráng nhựa là bệnh viện hủi. Bên tay trái của bệnh viện có hang thờ đức Mẹ nằm cạnh một căn nhà hoang tiêu điều.
Từ sân nhà tôi nhìn ra bãi biển Quy Hoà. Bãi này đẹp có cát trắng mịn và ngoài xa bóng một chiếc tàu Thái Lan bị đắm nằm làm cảnh.
Có lẽ ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ngồi đây ngắm biển hàng giờ như tôi. Tôi nhớ đến một bài thơ của thi sĩ tựa đề "Biển Hồn Ta" :

Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng dồn rập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời

Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận thấy trong thâm tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.

Bài thơ rất là có ý nghĩa cho những ai có tâm trạng như ông. Tôi không cầm nổi súc động mỗi khi đọc lại.
Có lẻ những ngày lưu lại nơi đây trong cuối đời ông. Một quãng đời quá ngắn ngủi mà đã phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Những cơn đau quằng quại và nỗi buồn tuyệt vọng là lúc ông cống hiến hết cho thơ ?
Ôi thương thay cho con người bạc mệnh như ông. Ngày xưa khi còn sống người ta không dám tìm đến thăm ... ngày nay mỗi ngày ông được du khách từ khắp năm châu đến thăm mộ ông.


Tiếng sóng vỗ êm êm nhè nhẹ rì rào trên bãi chiều như ru tôi vào cỏi mộng. Tôi ngồi lại với biển thật lâu và nô đùa với những dấu chân của chính mình trên bãi cát trắng.
Tôi lại nhớ đến một người. Một người mà tôi rất quý mến. Tôi gọi thầm tên anh ...

Tôi đi hết một vòng biển, có 1 nơi tôi thấy mọi người đang khồm lưng đào hố dài sâu. May quá có một chị đang đứng nhìn. Tôi khẽ hỏi :
- Các cháu đang đào cái gì thế chị ?
- Đó là những khúc gỗ được chôn từ lâu, nay đào lên để bán và anh em chia nhau mua gạo chị à ?
- Sao họ lại phải chôn nó đi ?
Chị ta không trả lời cho tôi kịp vì có người gọi chị khẩn cấp.

Gió thổi nhẹ. Trời tối rất nhanh. Tôi đi ngang qua và nhìn thấy bức tượng của ông linh mục Paul Maheu người Pháp.
Dõi theo ánh trăng sáng tôi tìm lối ra. Ra đến cữa chính của trại tôi nghe tiếng chuông nhà thờ vang vang.
Tôi tự hứa với lòng một ngày sẽ trở lại nơi này. Trở lại để "tâm sự" với thi sĩ Hàn Mặc Tử.


Hàn Mặc Tử

Đón đọc Bạch Tuyết: NHỚ HÀN MẶC TỬ

Bạch Tuyết
Paris - 12.2006

 
 
 


Ghi rõ nguồn "yeuvietnam.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

<< GIAO KÈO >>