Mail Contact Home

Gửi cho bạn bè trang báo này

 

Bình Định : Cầu Thị Nại
Cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

 
 

Hôm nay,(12/12/2006), tỉnh Bình Định khánh thành cây cầu Thị Nại và khởi công các dự án thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội. Thị Nại dài gần 2,5 km, được xem là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 300 năm hình thành, Bình Đình bắt đầu công cuộc chinh phục biển cả, mở không gian đô thị ra tận Phước Hoà, Phước Sơn, Cát Tiến, Cát Hải; khi Bình Định, với điểm nhấn là Khu kinh tế Nhơn Hội và tổ hợp cầu đường Thị Nại.

Chưa đầy 2 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập, Khu kinh tế Nhơn Hội đã thu hút tới 40 dự án với tổng vốn đăng ký 3,3 tỷ USD.

Tổ hợp cầu đường Thị Nại khởi công tháng 11/2002, quy mô 6.960 m gồm đường dẫn, 5 cầu ngắn và cầu Thị Nại 2.477 m, chi phí 582 tỷ đồng (chưa tính nút giao thông Hang Dơi). Riêng cầu Thị Nại dài bắc qua đầm Thị Nại, nối thành phố Quy Nhơn với Khu kinh tế Nhơn Hội thuộc bán đảo Phương Mai, mở ra một giai đoạn mới phát triển Khu kinh tế tổng hợp Nhơn Hội.

Thị Nại hiện hữu hôm nay chính là nhờ Khu kinh tế Nhơn Hội ra đời gần 3 năm sau đó. Theo Quyết định 141, Nhơn Hội là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, là hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị-công nghiệp-du lịch-dịch vụ của Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng là đầu mối giao lưu quốc tế, góp phần mở rộng thị trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; làm cầu nối với thị trường Đông Bắc Campuchia, Nam Lào, Trung Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Hiện, ngoài việc bắt tay với TP HCM, Hà Nội, Bình Định đã ký kết hợp tác toàn diện với Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum nhằm hỗ trợ nhau thế mạnh. Với Lào, Bình Định đạt được cam kết trồng 90.000 ha caosu tại Attapư, Sêkông, Chămpasak cùng vai trò một đầu mối, một cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hoá thông qua cảng Quy Nhơn và cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Mới đây, danh sách các nhà đầu tư còn được bổ sung bằng tập đoàn tài chính và công nghiệp hàng đầu của Kazakhstan BTA với dự định đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội nhà máy lọc dầu công suất từ 3-5 triệu tấn/năm. Khởi động Nhơn Hội, do vậy, còn là khởi động cho một quá trình liên kết.

Khu kinh tế Nhơn Hội có tổng diện tích 12.000 ha, gồm các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải, một phần phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn) và một phần các xã Phước Hoà, Phước Sơn, Cát Tiến, Cát Hải, Cát Chánh thuộc 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát.

Các dự án khởi công dịp này gồm:

1. Dự án xây dựng-kinh doanh hạ tầng Nhơn Hội A: Quy mô 630 ha, vốn đầu tư 678 tỷ đồng do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Nhơn Hội làm chủ đầu tư.

2. Dự án khu du lịch Rainbow resort Trung Lương-Phù Cát: 16 ha, 80 tỷ đồng, Công ty TNHH Mỹ Tài làm chủ đầu tư.

3. Dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch Nhơn Hội: 75 ha, 181 tỷ đồng, của Công ty TNHH Quốc Thắng.

4. Dự án hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông của Công ty thông tin viễn thông điện lực: 105 tỷ đồng.

5. Dự án đường trục chính khu kinh tế 394 tỷ đồng. Ban quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội làm chủ đầu tư.

6.Dự án cấp nước Khu kinh tế Nhơn Hội giai đoạn 1 của Công ty cấp thoát nước Bình Định: 12.000 m3/ngày, 45,6 tỷ đồng.

7. Dự án cấp điện Khu kinh tế Nhơn Hội (Điện lực Bình Định): 213 tỷ đồng.
(Theo Lao Động)

Ngày 12 tháng 12 năm 2006, cầu Thị Nại-cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam đã hoàn thành chính thứ c đưa vào sử dụng, nối nội thành Quy Nhơn với Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội- một vùng đất giàu tiềm năng và mở rộng không gian đô thị Quy Nhơn đến một số xã phía Đông Nam huyện Phù Cát, Tuy Phước.

Nhìn qua lượt đồ hiện trạng Quy Nhơn-Nhơn Hội với cây cầu Thị Nại vắt ngang qua đầm Thị Nại chúng ta có thể khẳng định: Cầu Thị Nại hôm nay là sự nối tiếp, nhân lên và hoà quyện của một quần thể mang tính lịch sử văn hoá đặc sắc xưa và nay. Xưa, chính vùng đầm này cách nay 2 thế kỷ là khu vực một cửa khẩu quan trọng vào hạng bật nhất của nước ta dưới thời Tây Sơn và xa hơn nữa trong quá khứ là cảng khẩu quan trọng nhất của Kinh đô Vijaya dưới thời vương quốc Champa (thế kỷ X- XV). Kẻ Thử từng là cửa khẩu quan trọng của xứ Đàng Trong thế kỷ XVII- XVIII, điểm giao lưu hàng hoá của Phủ Quy Nhơn, một trong 2 cảng biển lớn (cùng với cảng Cam Ranh), được thương nhân nước ngoài biết tới và được đánh giá là cảng biển quan trọng nằm trên tuyến giao thông quốc tế bằng đường biển. Cửa Kẻ Thử bị bồi cạn vào cuối thế kỷ XVIII (nay thuộc trảng cát dài 8km nối liền giữa núi Bà ở phía bắc và Núi Đơn, thuộc xã Nhơn Lý về phía nam). Cùng với cửa Kẻ Thử, nơi đây còn in đậm dấu ấn của một thời vàng son (thế kỷ XVII- XVIII) với 2 đô thị lớn : Phố cảng Nước Mặn (nay thuộc địa bàn An Hoà , xã Phước Quang, Tuy Phước)- một trong 3 trung tâm thương mại sầm uất của cả nước (sau Phố Hiến và Hội An) và thị tứ Gò Bồi cách Phố cảng Nước Mặn 2km về phía đông.
Đầm Thị Nại xứng đáng là không gian văn hoá, hài hoà, mang sắc thái riêng, tô điểm cho thành phố Quy Nhơn. Bán đảo Phương Mai trải dài chặn từng cơn sóng dữ từ biển Đông, tạo thuận lợi cho các loại tàu thuyền có trọng tải lớn trong và ngoài nước ra vào cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại.
Với những lợi thế trên, xét về phát triển du lịch thì cầu Thị Nại là điểm hẹn để cho du khách đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh quan thoáng đãng, trong lành của một vùng đầm nước rộng mênh mông (hơn 5.000 ha), thuyền bè qua lại nhộn nhịp, có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch biển... Quan trọng hơn, cầu Thị Nại đã nối liền mạch máu giao thông từ nội thành Quy Nhơn với KKT Nhơn Hội (rộng 12.000 ha), có thể phát triển đa dạng các loại hình sản xuất - kinh doanh và dịch vụ. Cầu Thị Nại là điểm nút giao thông quan trọng cho đánh thức tiềm năng hệ thống cảng biển của tỉnh Bình Định: Cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại, cảng Nhơn Hội, cảng Đề Gi (Phù Cát) có khả năng vận chuyển 10 triệu tấn/năm và cảng hàng không Phù Cát với con đường mới hoàn thành nối sân bay với KKT Nhơn Hội, rút ngắn hành trình trong giao thông.
Cùng với việc đưa vào sử dụng cầu Thị Nại, hình thành KKT Nhơn Hội, một hành lang Đông-Tây với hệ thống giao thông nối liền cảng Quy Nhơn với các tỉnh Nam Lào qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), đường 18B (Lào) cũng được khai thông tạo nhiều khả năng tiếp nhận hàng hoá xuất-nhập khẩu, lưu thông của các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào..., hứa hẹn một tương lai phát triển toàn vùng. Theo đó, các lợi thế so sánh của Bình Định cũng đang ngày càng rõ nét, hội đủ khả năng cung ứng và phục vụ tốt các khâu hậu cần, dịch vụ và nguồn nhân lực cho phát triển với hàng chục khách sạn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống ngân hàng chuyên doanh, bưu chính viễn thông, bệnh viện, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề...Thực tế, hiện nay Bình Định đang có 65 tiến sĩ, 300 thạc sỹ, hơn 10.000 cán bộ khoa học kỹ thuật, nhiều con em của Bình Định học giỏi được đào tạo từ các trường đại học trong và ngoài nước, với chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài, nguồn nhân lực cao, mở ra hướng hội tụ hiền tài cống hiến trí tuệ, tài năng làm giàu cho tỉnh trong tương lai không xa.

Nguyễn Ngọc Anh

 
 
 


Ghi rõ nguồn "yeuvietnam.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

<< GIAO KÈO >>